Giải Mã Câu Chuyện Thương Hiệu Của Zalo
Một ứng dụng nhắn tin thuần Việt được quảng bá dày đặc và vượt trội so với những tên tuổi sừng sỏ của thế giới như Line, Kakao Talk là một hiện tượng lạ về marketing tại Việt Nam. Vì sao Zalo lại dẫn điểm khi các đối thủ là tập đoàn nước ngoài có tiềm lực.Tính đến đầu tháng 4/2013, Zalo là ứng dụng nhắn tin miễn phí đứng đầu trên cả 2 bảng xếp hạng App Store và Android tại Việt Nam. Hai đối thủ còn lại dù là những tên tuổi sừng sỏ của thế giới (Line, Kakao Talk) chỉ có thể cạnh tranh nhau 2 vị trí kế tiếp.
Trên mặt trận marketing, hình ảnh của Zalo cũng có hiệu ứng mạnh hơn với việc có hàng loạt người nổi tiếng (cặp đôi Chi Pu – Cường Seven, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh, hoa hậu Mai Phương Thúy, ông hoàng nhạc sến Đàm Vĩnh Hưng…) và những người có ảnh hưởng… sử dụng, cũng như nói về ứng dụng này trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, Line và Kakao Talk dù đổ khá nhiều tiền vào quảng cáo trên truyền hình trong giờ vàng, quảng cáo ngoài trời, màn hình tại các tòa nhà cũng không đạt được hiệu ứng tương tự.
Theo đánh giá của ông Phạm Minh Toàn – Chủ tịch Time Universal (một công ty chuyên về digital marketing), Zalo đạt được hiệu quả lớn nhờ làm tốt quảng bá trên các phương tiện online và thiết bị di động, dẫn đến hành động tức thời của người xem. Bên cạnh đó, việc sử dụng hàng loạt người nổi tiếng và nhân vật có ảnh hưởng một cách khôn khéo cũng là tác nhân quan trọng tạo nên hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng người dùng.
Trong khi đó, ông Trần Chiến Bình, Giám đốc Teamwork Communications thì cho rằng, Zalo quảng bá tốt hơn đối thủ nhờ hình ảnh thân thiện và một câu chuyện đáng nhớ. Chuyên gia về truyền thông này cho rằng, điểm quan trọng khiến ứng dụngnhắn tin thuần Việt ghi dấu ấn đậm nét trong công chúng là một câu chuyện cổ tích về công nghệ cao, hiếm khi xảy ra ở Việt Nam.
Hình ảnh Ngọc Trinh dùng Zalo tràn ngập trên mạng Internet.
Tuy nhiên, những tính năng thân thiện với người dùng trong nước và được bổ sung liên tục, tốc độ nhắn tin (cả thoại lẫn text) cực nhanh so với các ứng dụng ngoại, vẽ được khi nhắn tin… là những ưu điểm khiến Zalo vượt lên so với 2 đối thủ ngoại tại Việt Nam và xếp “ngôi vương” trong số các ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất (Zalo, Line, Kakao Talk) trên cả 2 bảng xếp hạng quan trọng nhất là App Store và Android. Thú vị hơn, Zalo từng bị coi là tuyệt vọng trong cạnh tranh khi mắc sai lầm ở lần tung ra sản phẩm thử nghiệm chỉ vài tháng trước đó (tháng 8/2012).
Cũng vì thế câu chuyện thành công từ thất bại của ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt là một biểu tượng “From Zero to Hero” đúng nghĩa trong làng công nghệ và đây cũng là điểm đặc biệt mà ngân sách nhiều triệu USD của các đối thủ nước ngoài không thể mua được. Trong trận chiến thương hiệu, dù đổ nhiều tiền vào quảng cáo trên truyền hình, ngoài trời, màn hình trong các tòa nhà, những ứng dụngnhắn tin nước ngoài không thể ghi dấu ấn với người dùng như Zalo.
Cho tới nửa đầu tháng 4/2013, Zalo vẫn chưa “tham chiến” với quảng cáo trên truyền hình mà chủ yếu tập trung vào online (trên desktop và thiết bị di động). Nhờ đó, ngân sách marketing của ứng dụng thuần Việt không tốn quá nhiều (chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với những clip quảng cáo liên tục trên truyền hình vào giờ vàng) nhưng vẫn đạt được hiệu ứng lớn hơn so với những đối thủ lắm tiền nhiều của. Và câu chuyện cổ tích của Zalo là một tác nhân quan trọng.
Một người Việt Nam dùng điện thoại di động sẽ chọn ứng dụng đang tạo nên một câu chuyện cổ tích của làng công nghệ Việt hay một sản phẩm nước ngoài? Sự lựa chọn đứng về Zalo đang chiếm phần lớn với kết quả là “ngôi vương” của ứng dụngnày trên bảng xếp hạng App Store và Android (Zalo, Line, Kakao Talk). Điều này có được duy trì cho đến khi ứng dụng thuần Việt dùng để tạo nên một kỳ tích mới hay không thì vẫn phải chờ.
Xem Thêm: Vì sao Zalo có lượng người dùng lớn nhất?