Như Không Hề Có Chập 14ích bài hát ấy, thật ra là nó khiến tôi cảm thấy khó hiểu và tôi ráng giải mã nó. Chẳng hạn, tôi muốn biết cơn cớ gì mà thằng cha vô công rồi nghề trong bài hát lại quỳ gối. Có người bảo tôi rằng thằng cha đó lấy làm biết ơn vì được sống ở thành phố này thay vì một nơi nào khác. Tôi bảo người đó rằng tôi nghĩ hắn nhầm rồi, nhưng hắn nói với tôi bằng một giọng điệu mà tôi thấy có chút gì bí hiểm, “Không, bạn hiền ơi... tao không nghĩ vậy.”
Tôi ngồi lỳ trong phòng suốt tuần lễ trước khi đi xem một show truyền hình chiếu các đoạn phim do một gã DJ của một kênh rock địa phương giới thiệu hàng chiều. Sẽ có chừng một trăm thanh thiếu niên nhảy nhót trước một màn hình khổng lồ chiếu các đoạn video, những hình ảnh làm cho bọn nó trông nhỏ lại - và tôi nhận ra những đứa tôi đã trông thấy ở các câu lạc bộ đang nhảy nhót trong chương trình, mỉm cười để được lọt vào ống kính, rồi quay đi, ngước lên nhìn cái màn hình phát sáng to tổ chảng đang lóe lên trước mặt chúng. Một vài đứa hát theo lời bài hát đang được phát. Nhưng tôi chú tâm nhất đến cái lũ choai choai không hát, cái lũ đã quên mất lời bài hát, cái lũ mà có lẽ chẳng bao giờ biết đến lời bài hát.
Một ngày trước khi tôi đi, Rip và tôi lái xe trên Mulholland, Rip nhai một cái nhãn cầu bằng nhựa, mặc áo thun Billy Idol, chốc chốc lại thè lưỡi khoe cái nhãn cầu. Tôi gượng cười, Rip nói gì đó về chuyện tới Palm Springs một đêm trước khi tôi đi, tôi gật đầu, quy phục cái nóng. Đến một trong các khúc cua hiểm nhất của Mulholland, Rip giảm tốc độ, tấp vào lề đường, chui ra khỏi xe va ra hiệu cho tôi lam theo. Tôi đi theo ra chỗ gã đúng, gã đưa tay chỉ những chiếc xe hỏng dưới chân đồi. Một số đã hoen gỉ và cháy xém, một số còn mới và nát bấy, màu sắc vốn tươi sáng giờ đã bạc đi dưới ánh mặt trời rực rỡ. Tôi thử đếm số xe, chỗ đó cũng phải đến hai mươi, ba mươi cái. Rip kể với tôi về những người bạn của hắn đã chết trên khúc quanh đó, những kẻ hiểu sai về con đường này. Những kẻ phạm sai lầm lúc đêm khuya, biến mất vao hư không. Rip bảo, vào những đêm yên ắng, khuya khoắt ta có thể nghe thấy tiếng bánh xe rú rít inh tai, theo sau là một khoảng lặng dài, một tiếng gió rít, rồi kế đến là tiếng va chạm, chỉ vừa đủ to để nghe thấy. Và đôi khi, nếu dỏng tai ngóng, ta sẽ nghe thấy những tiếng hét trong đêm, không kéo dài quá lâu. Rip nói gã ngờ rằng người ta sẽ chẳng bao giờ đưa những chiếc xe rời khỏi đây, rằng họ thể nào cũng đợi cho tới khi đầy ứ xe, dùng cảnh đó để làm gương, sau đấy chôn chúng đi. Và khi đứng trên ngọn đồi, nhìn xuống Valley khuất sau màn sương lẫn khói, nóng như chảo lửa, cảm nhận những luồng gió hầm hập dội ngược trở lại, khói bụi thì tốc lên chân, và mặt trời, đồ sộ, một quả cầu lửa, chễm chệ trên đó, tôi thấy tin lời gã. Sau đó, khi chúng tôi lên xe, gã lái ngoặt vào một con đường mà tôi chắc chắn là ngõ cụt.
“Mình đi đâu thế?” tôi hỏi.
“Anh không biết,” gã nói. “Cứ lái thế thôi.”
“Nhưng đường này chẳng dẫn đi đâu hết,” tôi bảo gã.
“Quan trọng gì đâu.”
“Thế cái gì quan trọng?” lát sau tôi hỏi.
“Chỉ là mình đang đi đường thôi, chú em,” gã nói.
Trước khi tôi đi, một phụ nữ bị cứa cổ, bị quăng xuống từ một chiếc xe đang chạy ở Venice, hàng loạt vụ cháy bùng lên ngoài tầm kiểm soát ở Chatsworth, tác phẩm của một gã phóng hỏa, một người đàn ông ở Encino giết chết vợ cùng hai con. Bốn đứa trẻ vị thành niên, không ai tôi quen biết, chết trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường cao tốc Pacific Coast. Muriel tái nhập viện ở Cedars-Sinai. Một gã có biệt danh Conan tự tử trong một bữa tiệc sinh viên ở U.C.L.A. Và tôi tình cờ chạm mặt Alana trong The Beverly Center.
“Dạo này không thấy em,” tôi bảo cô.
“Ừ, em không ra ngoài nhiều lắm.”
“Anh có gặp một người quen em.”
“Ai?”
“Evan Dickson. Em biết nó không?”
“Em đang đi lại với anh ấy.”
“Ừ, anh biết. Cậu ta bảo anh thế.”
“Nhưng anh ấy cũng phang một gã tên Derf, học Buckley.”
“Ờ.”
“Ừa, ờ,”cô nói.
“Rồi sao?”
“Thường quá mà.”
“Ừ,” tôi bảo cô. “Đúng thế.”
“Anh có vui khi ở đây không?”
“Không.”
“Tệ quá.”
Tôi còn gặp Finn ở Hughes Market, trên Doheny chiều hôm thứ Ba. Trời nóng và tôi nằm lỳ bên bể bơi cả ngày. Tôi lên xe đưa hai đứa em tới khu chợ. Hôm nay hai đứa không tới trường, chúng mặc quần soóc, áo thun, đeo kính râm, còn tôi mặc đồ bơi Polo cũ và áo thun. Finn đi với Jared, trông thấy tôi ở quầy thực phẩm đông lạnh. Gã đi dép bệt, áo thun Hard Rock Cafe, gã liếc sang tôi một lần, nhìn xuống, rồi lại nhìn lên. Tôi vội vã quay đi, tiến đến quầy rau. Gã đi theo tôi. Tôi nhặt một lốc sáu lon trà lạnh, rồi một bao thuốc lá. Một lần nữa tôi nhìn sang gã, mắt hai chúng tôi gặp nhau, gã bèn nhăn nhở cười, và tôi quay đi. Gã đi theo tôi tới quầy thanh toán, “Ê, Clay.” Gã nháy mắt.
“Chào,” tôi nói, mỉm cười, xích sang bên.
“Gặp cưng sau nhé,” gã nói, bấm ngón tay cái tách như thể chúng là một khẩu súng.
Tuần lễ cuối cùng. Tôi đang ở Parachute cùng Trent. Trent thử đồ. Tôi dựa người vào tường, đọc một số Interview cũ. Một thằng tóc vàng xinh trai, mà tôi nghĩ tên là Evan, đang thử đồ. Nó không vào buồng thử. Nó mặc thử ngay giữa cửa hàng, trước một tấm gương dài. Nó ngắm nghía chính mình lúc đứng đó, trên người có mỗi cái quần lót và tất kẻ ca rô. Nó dứt khỏi cơn mơ màng khi thằng bạn trai nó, cũng tóc vàng và kháu khỉnh, tiến lại đằng sau, siết cổ nó. Thế rồi nó thử tiếp món khác. Trent bảo tôi nó đã thấy thằng này ngồi cùng Julian trong chiếc Porsche đen của Julian, đậu bên ngoài Beverly Hills High, tán gẫu với một đứa nhóc khoảng mười bốn tuổi. Trent bảo tôi là mặc dù Julian đeo kính râm, nó vẫn trông thấy những vết thâm tím quanh mắt thằng đó.
Trong lúc đọc báo dưới ánh chạng vạng bên bể bơi, tôi tình cờ đọc được câu chuyện về một người đàn ông trong vùng cố tự chôn sống mình trong sân sau vì thời tiết “rất nóng, quá nóng”. Tôi đọc bài báo thêm lần nữa, rồi đặt báo xuống, nhìn theo mấy đứa em. Chúng vẫn đang mặc bikini, đeo kính râm, nằm dưới bầu trời đang tối dần, chơi trò vờ chết. Chúng bảo tôi phân xử xem đứa nào có thể làm ra vẻ chết lâu nhất, đứa thắng sẽ được ẩy đứa thua xuống bể bơi. Tôi nhìn chúng, nghe một băng nhạc chạy trong máy Walkman đeo trên người. The Go-go đang hát “I wanna be worlds away. I know things will be okay when I get worlds away.” Chẳng hiểu kẻ nào đã thu cuộn băng mà lại để bài hát bị ngắt giữa chừng, tôi nhắm mắt, nghe họ hát bài “Vacation,” rồi khi tôi mở mắt ra, hai đứa em vẫn đang nằm úp mặt, nổi lềnh bềnh trong bể bơi, tôi tự hỏi đứa nào làm ra vẻ chết đuối được lâu hơn.
Tôi đi xem phim với Trent. Rạp chiếu phim ở Westwood mà chúng tôi đến gần như trống trơn, rải rác đây đó vài bóng người, hầu hết đều ngồi một mình. Tôi trông thấy một đứa bạn cũ hồi trung học ngồi với một con bé tóc vàng xinh xắn gần mặt tiền, trên lối đi, nhưng chẳng nói gì, thấy nhẹ nhõm sao đó khi đèn phụt tắt nên Trent không nhận thấy nó. Lát sau, bên dàn máy điện tử, Trent chơi một trò có tên Burger Time, trong đó bánh hotdog và quả trứng rượt đuổi một tay đầu bếp râu ria thấp lùn, Trent muốn dạy tôi cách chơi nhưng tôi không thích. Tôi liên tục nhìn vào những cái bánh hotdog điên cuồng lắc lư, không hiểu sao thấy khó chịu vì cảnh đó, liền bước đi, tìm trò gì đấy chơi. Nhưng có vẻ như trong tất cả các trò đều có nào bọ cánh cứng, nào ong, nào bướm đêm, nào rắn, nào muỗi, nào ếch, rồi cả nhưng con nhện điên xơi tái những con ruồi tím to bự, với nhạc nhẽo đi kèm, khiến tôi thấy chóng mặt, nhức đầu, những hình ảnh sao mà khó rũ bỏ, ngay cả khi tôi đã rời khỏi dàn máy điện tử.
Trên đường về nhà, Trent bảo tôi, “Hôm nay mày cư xử như một thằng dở người.” Dọc Beverly Glen, tôi chạy sau một chiếc Jaguar màu đỏ, biển số xe có chữ “DECLINE”(50), và tôi phải dừng xe lại.
50. Nghĩa là “Từ chối”.
“Sao thế Clay?” Trent hỏi tôi, giọng gay gắt.
“Không có gì,” tôi gượng nói.
“Mày bị cái chết mẹ gì thế hả?”
Tôi bảo nó tôi bị đau đầu, chở nó về nhà và nói sẽ gọi về cho nó từ New Hampshire.
Thế quái nào mà tôi nhớ lại mình từng đứng trong một bốt điện thoại tại một trạm xăng 76(51) ở Palm Desert lúc chín rưỡi tối Chủ Nhật, hồi tháng Tám năm ngoái , đợi một cuộc điện thoại từ Blair, sáng hôm sau cô sẽ đi New York ba tuần để đến trường quay với bố. Tôi mặc quần jeans, áo thun, kèm theo áo len ca rô cũ kĩ, rộng lùng nhùng, đi giày tennis không tất, không chải tóc, hút thuốc. Từ chỗ đang đứng, tôi trông thấy một điểm đón xe buýt có bốn, năm người đứng ngồi dưới ánh đèn huỳnh quang, ngóng đợi. Còn có một thiếu niên, trạc mười lăm, mười sáu tuổi, mà tôi cho là đang tìm cách đi nhờ xe, tôi cảm thấy lo lắng, muốn nói gì đó với thằng con trai, nhưng xe buýt đến và thằng con trai lên xe. Tôi chờ đợi trong một bốt điện thoại không có cửa, ánh đèn Day-Glo gay gắt làm tôi thấy nhức đầu. Một đàn kiến hành quân qua một cốc sữa chua rỗng mà tôi dập thuốc lá vào. Đêm hôm ấy thật lạ lùng. Tối Chủ nhật tháng Tám năm ngoái đó, có ba bốt điện thoại ở trạm gas này và bốt nào cũng có người. Trong bốt kế bên bốt của tôi có một tay lướt sóng trẻ, mặc soóc OP, áo thun màu vàng có thêu chữ “MAUI,” tôi khá chắc chắn là hắn đang đợi xe buýt. Tôi không nghĩ tay lướt sóng đang nói chuyện với bất kỳ ai, hắn vờ như đang nói chuyện, nhưng chẳng có ai nghe máy ở đầu dây bên kia cả, và tôi cứ nghĩ mãi rằng phải chăng vờ như nói chuyện vẫn còn hơn chẳng nói gì, nghĩ mãi về cái đêm ở Disneyland cùng Blair. Tay lướt sóng cứ liên tục ngó sang tôi, còn tôi thì quay đi, đợi chuông điện thoại reo. Một chiếc xe có biển đề “GABSTOY” dừng lại, một con bé để tóc đen kiểu Joan Jett, cùng với bạn trai nó, một thằng mặc áo thun Clash đen, chui ra khỏi xe, vẫn để động cơ hoạt động, và tôi nghe thấy tiếng một bài cũ của Squeeze vang lên. Tôi hút hết một điếu thuốc nữa rồi châm một điếu khác. Vài con kiến chết đuối trong cốc sữa chua. Xe buýt đi qua. Dân tình lên xe. Không ai xuống. Tôi cứ nghĩ mãi về cái đêm ở Disneyland, về New Hampshire, về chuyện Blair và tôi chia tay.
51. 76 là tên của một hệ thống trạm xăng tại Mỹ.
Một cơn gió hầm hập tạt qua trạm xăng trống trơn, tay lướt sóng mà tôi nghĩ là một tên trộm gác máy, tôi không nghe thấy tiếng đồng xu nào rơi xuống nhưng vờ như không để ý. Hắn trèo lên một chiếc xe buýt chạy ngang qua. GABSTOY bỏ đi. Điện thoại reo. Blair gọi. Tôi liền bảo cô đừng đi. Cô hỏi tôi đang ở đâu. Tôi bảo cô rằng mình đang đứng trong một bốt điện thoại ở Palm Desert. Cô hỏi “Tại sao?”, tôi hỏi “Sao lại không?” Tôi bảo cô đừng tới New York. Cô bảo giờ mà nói chuyện này thì quá trễ. Tôi bảo cô đến Palm Springs cùng tôi. Cô nói rằng tôi làm cô tổn thương, rằng tôi đã hứa sẽ ở lại L.A., rằng tôi đã hứa sẽ không bao giờ quay về miền Đông nữa. Tôi bảo cô rằng tôi xin lỗi, rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô liền nói rằng cô đã nghe tôi xin lỗi rồi, và rằng nếu mình thích nhau thực sự thì bốn tháng đâu có nhằm nhò gì. Tôi hỏi cô có nhớ đêm ấy ở Disneyland không, cô liền hỏi, “Đêm nào ở Disneyland?” rồi hai đứa gác máy.
Tôi lái xe về L.A., đi xem phim, ngồi một mình, lái xe đi rong cho đến chừng một giờ, ngồi trong một nhà hàng trên Sunset, uống cà phê, hút hết thuốc, ngồi lỳ ở đó đến hết giờ mở cửa. Sau đó tôi lái xe về nhà và Blair gọi cho tôi.
Tôi bảo cô là mình sẽ nhớ cô, rằng có lẽ khi trở về, mọi chuyện sẽ êm đẹp. Cô nói cũng có thể, và cô có nhớ cái đêm ở Disneyland. Tuần tiếp theo đêm hôm đó, tôi đi New Hampshire rồi không hề nói chuyện với cô trong bốn tháng.
Trước khi đi, tôi gặp Blair để cùng ăn trưa. Cô ngồi ngoài hiên quán The Old World ở Sunset đợi tôi. Cô đeo kính râm, nhấp một ly rượu trắng mà cô hẳn đã mua bằng chứng minh thư giả. Có lẽ bồi bàn thậm chí còn chẳng hỏi cô, tôi thầm nghĩ khi bước vào qua cửa trước. Tôi bảo bà chủ quán rằng tôi ngồi với cô gái ở ngoài hiên. Cô đang ngồi một mình, quay đầu về phía làn gió nhẹ thổi qua, và khoảnh khác ấy, tôi nhìn thấy ở cô một cử chỉ tự tin, can đảm thế nào đó, khiến tôi ghen tị. Cô không trông thấy tôi khi tôi tiến lại từ phía sau và hôn lên má cô. Cô mỉm cười, quay lại, hạ kính xuống, người cô thoảng mùi rượu, son môi và nước hoa, tôi ngồi xuống, lật giở tờ thực đơn. Tôi đặt thực đơn xuống, ngắm xe cộ chạy ngang qua, bất đầu nghĩ rằng đây có lẽ là một sai lầm.
“Em ngạc nhiên là anh đến đấy,” cô nói.
“Tại sao? Anh đã bảo em là anh đến mà.”
“Đúng, anh có bảo,” cô nói khẽ. “Anh vừa ở đâu thế?”
“Anh ăn trưa sớm với bố.”
“Ắt phải vui lắm.” Tôi tự hỏi cô có ý mỉa mai gì không.
“Ừm,” tôi nói, không chắc chắn. Tôi châm một điếu thuốc.
“Anh còn làm gì nữa không?”
“Sao chứ?”
“Thôi nào, đừng quạu. Em chỉ muốn nói chuyện thôi.”
“Thì nói chuyện.” Tôi nheo mắt lại khi khói từ điếu thuốc bay vào.
“Nghe này.” Cô nhấp rượu. “Kể cho em cuối tuần của anh ra sao đi.”
Tôi thở dài, thực sự ngạc nhiên vì mình không nhớ nhiều lắm những chuyện đã xảy ra. “Anh không nhớ. Chẳng có gì cả.”
“Ồ.”
Tôi lại nhấc thực đơn lên, rồi đặt nó xuống mà chẳng hề mở ra.
“Thế là anh về trường thật à,” cô nói.
“Anh nghĩ thế. Ở đây chả có gì.”
“Anh mong tìm ra cái gì sao?”
“Anh không biết. Anh ở đây cũng lâu rồi.”
Cứ như thể mình ở đây cả đời vậy.
Tôi khe khẽ đá chân vào lan can ngoài hiên và phớt lờ cô. Đây là một sai lầm. Thốt nhiên cô nhìn tôi, bỏ đôi Wayfarer ra.
“Clay, anh đã bao giờ yêu em chưa?”
Tôi chăm chú nhìn một tấm áp phích, nói rằng mình chẳng nghe thấy cô nói gì.
“Em hỏi anh đã bao giờ yêu em chưa?”
Trên hiên nhà, ánh mặt trời rọi thẳng vào mắt tôi, và trong giây phút bị lóa mắt ấy, tôi nhìn thấy chính mình thật rõ ràng. Tôi nhớ lần đầu tiên hai đứa làm tình, trong căn nhà ở Palm Springs, thân mình cô rám nắng, ướt đẫm, nằm trên tấm khăn trải giường trắng tinh, mát lạnh.
“Đừng làm thế, Blair,” tôi bảo cô.
“Nói cho em biết đi.”
Tôi nín thinh.
“Câu hỏi khó trả lời thế cơ à?”
Tôi nhìn thẳng vào cô.
“Có hay không?”
“Tại sao?”
“Mẹ kiếp, Clay,” cô thở dài.
“Có, dĩ nhiên, chắc thế.”
“Đừng dối em.”
“Cô muốn nghe cái chết mẹ gì?”
“Chỉ cần nói cho em biết thôi,” cô nói, cao giọng.
“Không,” tôi gần như gào lên. “Chưa bao giờ.”
Tôi gần như cười toáng lên.
Cô hít vào và nói, “Cám ơn anh. Em chỉ muốn biết có thế.” Cô nhấp rượu.
“Cô đã bao giờ yêu tôi chưa?” tôi vặn lại, dù giờ đây tôi thậm chí chẳng quan tâm.
Cô im lặng một lúc. “Em đã nghĩ về chuyện đó, có, em từng có yêu anh. Ý em là yêu thực lòng. Mọi chuyện đâu vào đó được một thời gian. Anh đã tỏ ra thật tử tế.” Cô nhìn xuống, nói tiếp. “Thế nhưng có vẻ như anh chẳng hề hiện diện. Chó chết thật, chẳng ra đâu vào đâu.” Cô ngừng lời.
Tôi nhìn cô, đợi cô nói tiếp, ngó lên nhìn tấm áp phích. Biến mất nơi đây.
“Em không biết những người em từng hẹn hò có thật sự hiện diện hay không... nhưng ít ra họ cũng cố gắng.”
Tôi mân mê quyển thực đơn, dập điếu thuốc.
“Anh thì chưa bao giờ. Những người khác cố gắng, nhưng anh thì chỉ... Điều đó nằm ngoài khả năng của anh.” Cô nhấp một ngụm rượu nữa. “Anh chưa bao giờ ở đó. Em thấy thương anh một thời gian, nhưng sau đó em thấy khó mà thương được. Anh đẹp trai thật đấy, Clay ạ, nhưng đó lại là chuyện khác.”
Tôi dõi mắt nhìn theo đám xe chạy ngang qua trên Sunset.
“Thương một người thậm chí chẳng bận tâm thật khó.”
“Vậy sao?” tôi hỏi.
“Anh quan tâm đến điều gì? Điều gì làm anh hạnh phúc?”
“Không gì hết. Không gì khiến anh vui. Anh chẳng thích gì cả,” tôi bảo cô.
“Đã bao giờ anh quan tâm đến em chưa, Clay?”
Tôi không nói gì, lại nhìn vào thực đơn.
“Đã bao giờ anh quan tâm đến em chưa?” cô hỏi lại.
“Anh không muốn quan tâm. Nếu anh quan tâm đến chuyện này chuyện nọ, thì sẽ chỉ tệ hại hơn, sẽ chỉ thêm lo lắng. Không quan tâm thì ít đau đớn hơn.”
“Em đã quan tâm đến anh một thời gian.”
Tôi không nói gì.
Cô bỏ kính xuống, cuối cùng nói, “Gặp sau nhé, Clay.” Cô đứng dậy.
“Em đi đâu thế?” bỗng dưng tôi không muốn chia tay Blair ở đây. Tôi gần như muốn kéo cô về lại bên mình.
“Phải đi ăn trưa với một người.”
“Thế còn chuyện chúng mình?”
“Chuyện chúng mình thì sao?” Cô đứng đó một lúc, chờ đợi. Tôi dán mắt lên tấm áp phích cho tới khi nó bắt đầu mờ đi, và khi mắt đã nhìn được rõ hơn, tôi dõi theo khi chiếc xe của Blair trườn khỏi bãi đỗ rồi mất hút vào trong dòng xe nhốn nháo trên Sunset. Tay bồi bàn tiến đến hỏi, “Mọi chuyện ổn chứ, thưa cậu?”
Tôi ngước lên, đeo kính râm lên, gượng cười.
“Ừa.”
Blair gọi tôi buổi tối trước khi tôi đi.
“Đừng đi,” cô nói.
“Anh sẽ chỉ đi hai tháng thôi mà.”
“Đó là một khoảng thời gian dài.”
“Năm nào hè chẳng đến.”
“Đó là một khoảng thời gian dài.”
“Anh sẽ về. Chẳng lâu đến thế đâu.”
“Chó thật, Clay.”
“Em phải tin anh.”
“Em không tin.”
“Em phải tin.”
“Anh nói dối.”
“Không, anh không nói dối.”
Và trước khi đi, tôi đọc một bài báo trên Los Angeles Magazine về một con đường mang tên Sierra Bonita ở Hollywood. Một con đường tôi đã lái qua nhiều lần. Bài báo cho biết có những người chạy trên con đường này và trông thấy ma, những bóng ma của miền Tây hoang dã. Tôi đọc thấy người ta bắt gặp đám người da đỏ cưỡi ngựa, chỉ quấn độc những mảnh khố trên người, rồi một người đàn ông mang rìu thoắt cái đã biến mất, bị quăng chỏng chơ qua khung cửa sổ mở toang. Một đôi vợ chồng già nói rằng một người da đỏ xuất hiện trong phòng khách của họ trên Sierra Bonita, rì rầm niệm thần chú. Một người đàn ông đâm sầm vào một cây cọ vì trông thấy một cỗ xe ngựa bị che khuất dọc đường đi nên phải ngoặt tay lái.
Khi tôi đi, trong phòng chẳng có gì nhiều nhặn, trừ hai cuốn sách, ti vi, dàn stereo, nệm, áp phích Elvis Costello với đôi mắt vẫn ngó trân trân ra ngoài cửa sổ, hộp giày với mớ ảnh của Blair trong tủ tường. Ngoài ra còn một tấm áp phích in phong cảnh California mà tôi đã ghim lên tường. Một trong những cái ghim rơi xuống, tấm áp phích thì cũ kỹ, rách bươm ở khoảng giữa, treo xộc xệch trên tường.
Tối đó, tôi lái xe tới Topanga Canyon và đậu xe gần một vòng đu quay vắng vẻ cũ kỹ vẫn còn đứng đó, lẻ loi trên thung lũng, trống trơn, lặng lẽ. Từ chỗ đang đứng tôi nghe thấy tiếng gió thổi qua hẻm núi. Vòng đu quay khẽ chuyển động. Một con sói tru. Những cái lều vỗ phần phật trong gió ấm. Đã tới lúc quay lại. Tôi ở nhà cũng lâu rồi.
Khi còn ở Los Angeles, tôi có nghe bài hát của một ban nhạc địa phương. Bài hát mang tên Los Angeles, có lời lẽ và hình ảnh thô bạo, gay gắt tới mức nó cứ vang vọng trong tâm trí tôi nhiều ngày. Những hình ảnh mà về sau tôi mới nhận ra là riêng tư, không phải do bất kỳ một người quen nào của tôi chia sẽ. Những hình ảnh tôi nhìn thấy là những con người phát điên phát rồ vì sống trong thành phố. Hình ảnh các ông bố, bà mẹ đói khát và thiếu thốn tới mức ăn thịt cả con cái mình. Hình ảnh những thanh thiếu niên trạc tuổi tôi, đứng trên mặt đường rải nhựa ngước lên trời và lóa mắt dưới ánh nắng. Những hình ảnh ấy cứ bám riết lấy tôi ngay cả khi tôi đã rời khỏi thành phố. Những hình ảnh bạo lực và tàn nhẫn đến mức dường như chúng là điều duy nhất gợi nhớ về thành phố này một thời gian dài sau đó. Sau khi tôi bỏ đi.
game danh bai bigkoolBigkool - Game Đánh Bài Siêu Giải Trí
Giải tỏa đam mê, tham gia cộng đồng giải trí với hàng triệu người...
game khu vuon tren mayKhu Vườn Trên Mây - Đẳng Cấp Game Trồng Trọt
Tựa game trồng cây ăn khách nhất mọi thời đại, siêu phẩm đích thực của VNG...

pacman, rainbows, and roller s